Página inicial  > Gấp nhiều lần yêu thương
 Gấp nhiều lần yêu thương

Gấp nhiều lần yêu thương

Gấp nhiều lần yêu thương

1. Sau 39 năm phục vụ trong quân ngũ và công tác trong ngành xây dựng, anh Cảnh chỉ có chút thời gian thảnh thơi, trước khi "được mách" đến với quán cơm từ thiện ở góc khu tập thể trạm bơm Yên Xá, sát Bệnh viện K Tân Triều này, để rồi gắn bó suốt gần một năm nay.

Vợ của anh - chị Nguyệt, cũng là bệnh nhân ung thư suốt gần 15 năm qua. Anh bảo ngày phát hiện vợ bệnh, ôm con gái vào lòng, anh bật khóc lần hiếm hoi trong đời, bởi không biết sẽ phải làm gì, không biết chặng đường tiếp theo sẽ thế nào?

Nhưng anh gắn bó với quán không phải vì sự trả ơn đến cuộc đời, khi chị hiện vẫn còn khỏe, mà với anh, đơn giản đấy là việc nên làm. Khi cuộc sống không còn quá bận rộn với công việc, với cơm áo gạo tiền, đây là cách anh chọn để thực hiện đạo lý "bầu ơi thương lấy bí cùng".

Dù ngày nắng hay ngày mưa, những lời chào đón, những câu đùa, những lời động viên của anh dành cho "khách hàng" vẫn luôn rộn ràng. "Lần đầu tiên trao khay cơm cho một bệnh nhân, cô gái khóc òa khiến tôi rơm rớm theo. Từ đó, tôi luôn nở nụ cười khi đón tiếp mọi người, để được nhận lại những nụ cười. Vui lắm!", anh hồi tưởng.

2. Bữa phở ngày Hà Nội rét ngọt ấy do anh Nguyễn Ngọc Châu - chủ nhân của giải thưởng "Hoa hồi vàng" tại cuộc thi "Đi tìm người nấu phở ngon 2022" nấu. Bát phở từng giúp anh mở tiệm ở Australia hơn 20 năm, giúp anh đoạt giải, giờ được trao gửi đến những cảnh đời trớ trêu, rời quê để gắn bó với giường bệnh, phòng trọ trong phập phồng lo sợ...

Anh Châu thường xuyên vắng mặt, bởi một năm lại phải về Australia vài tháng và công việc khá bận rộn, nhưng không vì thế mà quán Nụ Cười Shinbi - cơm 2k thiếu vắng hơi ấm của anh. Từ Sydney xa xôi, anh cùng những người bạn khoác trên mình chiếc tạp dề xanh của quán, bán những bát "Phở yêu thương" cho kiều bào xa xứ, gây quỹ giúp quán tiếp tục gửi đến những phận người kém may mắn những bữa phở đậm nghĩa đồng bào, đượm tình yêu dành cho quê hương.

Đến với những bữa chiều chỉ có giá tượng trưng - 2.000 đồng, dành cho các bệnh nhân và người nhà bệnh nhân Bệnh viện K Tân Triều, còn có ăm ắp tình cảm của những người Việt đã và đang sinh sống, làm việc ở Moscow (Nga)- như nhóm Phóng Sinh. Chị Minh - trưởng nhóm, tâm sự: "Không chỉ tài trợ bữa ăn, chúng mình còn rất vui khi được chung tay vào bếp, được tự tay bưng cơm, tâm sự cùng bà con. Ở đây, chúng mình được chứng kiến (và có thể đặt niềm tin) vào người thật - việc thật, thay vì phải nhờ trao gửi".

Từ London (Anh) xa xôi, mỗi năm một lần, thầy giáo trẻ Tomas lại đem các học trò của mình đến Việt Nam, không phải để du lịch mà để làm tình nguyện viên cho các hoạt động nhân đạo. Năm 2023, điểm đến của anh là quán Nụ Cười Shinbi - cơm 2k. Suốt hai tuần, anh cùng hai học trò cấp hai của mình xắn tay "nổi lửa", bưng từng suất cơm phục vụ bà con, để cảm nhận lòng nhân ái. Những nghĩa cử ấy, anh cảm nhận rõ nhất ở Việt Nam, ở quán cơm từ thiện này.

Những người bạn nước ngoài cũng có mặt, để trải nghiệm về lòng nhân ái.

3. Từ những ngày nóng nung người gần 40 độ C, cho đến những ngày giáp Tết rét ngọt cắt da xé thịt, tại đây, các tình nguyện viên vẫn luôn sát cánh, chia sẻ cùng nhau một sứ mệnh tự thân.

Cô gái Bùi Thị Phương Thảo là chủ của một garage chuyên chăm sóc và sửa chữa ô-tô ở Long Biên. Ít nhất hai ngày trong tuần, "đầu bếp chính" này lại vượt hơn 20 km, đến nấu bữa cơm 300-400 suất tại quán ăn mà cô đã gắn bó suốt gần một năm qua. Để có một bữa cá kho ngon lành cho bà con, Phương Thảo thường phải mất đến ba ngày. Cá kho trong nồi gang, nhưng phải chia ra làm 4-5 nồi, kho đủ 12 giờ mới đạt tiêu chuẩn mà chính Thảo đặt ra.

Thịt đông ăn cùng dưa cải muối, cá nục rim tỏi ớt, mầm cải xào, canh xương khoai tây, tráng miệng bằng bưởi và bánh ngọt là thực đơn một bữa cơm chiều bình thường ở quán. Một bữa cơm chiều, hàng chục giờ chuẩn bị. "Nghĩ đến đoạn phải vượt 20 cây số để về nhà trong cái rét tê tái thế này, là em thấy rùng mình rồi", nhưng, "Cứ thấy bà con ăn ngon là em vui rồi. Lúc đấy thì bao nhiêu mệt nhọc đều tan biến!".

Lê Tuấn Anh - người đàn ông có vẻ ngoài bặm trợn điều hành đội xe 0 đồng được rất nhiều người nhớ đến trong mùa dịch Covid-19 hơn hai năm về trước, hầu như không ngày nào vắng mặt tại quán, từ level "đến bếp ga còn chẳng biết bật thế nào", nay đã có thể "vừa huýt sáo vừa xào đủ sáu chục cân rau", và khi cần có thể nhoay nhoáy chế hơn trăm bát mì "chữa cháy" những ngày bà con đến đông, vượt quá dự liệu của quán. Bên cạnh anh, còn là không ít những gương mặt bạn bè gần gũi, trong Hội cựu học sinh PTTH khóa 93-96 Hà Nội, những người luôn có mặt, nhưng lại cũng luôn muốn giấu tên.

Nói chuyện rau, từ sáng sớm, "Tổ rau" đã phải có mặt ở quán, với những thành viên U40 như Nhàn, Cúc - hai chủ cửa hàng điện thoại chỉ vì "đi chợ nhìn thấy bảng tên quán hay hay mà ghé vào, để rồi gắn bó mãi đến tận bây giờ", hay U90 như bà Bính hàng xóm, rồi đủ cả U70, U80 rộn ràng nhặt rau, sơ chế. Với họ, chỉ cần bà con đủ cơm lành, canh ngọt là mãn nguyện, dù đôi khi chỉ rửa xong rổ rau là đã phải về.

4. Ngày bố nhận được đề xuất "đi làm lại", Ngân - cô sinh viên con gái anh Nguyễn Thanh Cảnh, cả quyết: "Bố cứ đi làm thôi. Con tự lo được!". Tự lo, nghĩa là ở lại với quán, làm tình nguyện viên. Cũng có không ít học sinh các trường Trần Phú, Việt Đức, Giảng Võ… từng sắm vai trò ấy hồ hởi: "Bố mẹ chắc chắn sẽ tự hào về bọn con lắm, khi bọn con làm những việc này".

Một "khách hàng quen" từng dặn dò con: "Nếu sau này mẹ không còn nữa, con đi làm kiếm được tiền, nhớ quay lại nơi này để giúp đỡ, trả ơn các cô chú đã cưu mang mẹ con mình ngày hôm nay nhé!". Lời dặn, như một lời hẹn, cũng như một sự thôi thúc.

Thoảng trong những cơn gió se sắt cuối đông, không khí Tết đã về. Và ở góc nhỏ ngoại thành Hà Nội này, tình yêu thương vẫn nhân lên mỗi ngày...

Fonte do artigo: