Không có thành công nào tự nhiên sinh ra
Quê ở xã Nga Trường, huyện Nga Sơn (Thanh Hóa), nhưng Trần Doãn Hùng lại vào Khánh Hòa làm du lịch. Những tưởng chàng trai sinh năm 1993 sẽ gắn bó với "ngành công nghiệp không khói", nào ngờ một cơ duyên đã khiến cuộc sống của anh rẽ theo ngả khác. Cơ duyên mà Hùng nhắc đến chính là khi anh gặp du khách khoác chiếc túi xách được đan từ cỏ - thứ cỏ mà ở các vùng quê sẵn có. Lập tức trong anh gợi nên những ý tưởng. Anh Hùng bộc bạch: "Thấy sản phẩm rất đẹp, tôi về quê để tìm hiểu và tìm cách học đan, nhưng chẳng được". Khá thất vọng, song Hùng không "ôm gối" ngồi chờ, mà tiếp tục tìm hiểu xem đâu là nơi có thể giúp mình học nghề. Sau cùng, anh đã tìm về Huế (Thừa Thiên Huế) tầm sư và được truyền dạy. Để tạo ra sự khác biệt, Hùng phối hợp chất liệu cói, sợi mây, gỗ và da nhập ngoại. Những mẻ hàng đầu tiên bị khách hàng trả về là nỗi cay đắng mà chàng trai trẻ nhận được khi chập chững khởi nghiệp, song anh vẫn là con ong bền bỉ đi tìm mật ngọt. Hùng điều chỉnh cách sấy để hàng không bị mốc, sửa chữa nhiều lần, từ đó tạo ra sản phẩm chất lượng, chinh phục được khách hàng khó tính. Sau mỗi lần đúc rút kinh nghiệm, anh dạy lại cho người lao động đang làm việc cho mình. "Đúng là không có thành công nào tự nhiên sinh ra", Hùng tự nhủ để động viên mình tiếp tục dấn thân.
Bằng sự nhanh nhạy, chịu khó quan sát, Hùng đã tạo ra nhiều mẫu sản phẩm mang tính ứng dụng cao, có sản phẩm đựng được máy tính xách tay, giấy khổ A4, quần áo. Cũng có sản phẩm nhỏ xinh dùng đựng đồ nữ trang, điện thoại… Hùng cho biết, vì yêu cỏ cây đồng nội, lại biết một sự tích về loài cỏ may nên anh đã lấy thương hiệu sản phẩm là Cỏ May. Ngoài cửa hàng trưng bày tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hùng còn đưa sản phẩm lên bán trên các trang thương mại điện tử lớn của thế giới như Amazon, Ebay…
"Nhiều người bảo tôi chẳng cần kỹ quá, vừa khó, vừa vất vả. Còn tôi tự nhủ phải làm đẹp để thỏa mãn mình, sau đó là mang thương hiệu của Việt Nam ra thế giới", Hùng bày tỏ.
Tiếp nối truyền thống chịu thương, chịu khó từ gia đình, lại là người bản lĩnh, cô gái dân tộc Mường Nguyễn Thị Thu Hoa (Thanh Sơn, Phú Thọ) đã xây dựng thành công thương hiệu "Thịt chua Trường Foods". Hoa vốn là con của dòng họ có nghề làm thịt chua, nhưng sau khi xây dựng gia đình, cô nhận thấy nếu cứ làm ăn nhỏ lẻ thì cuộc sống mãi vất vả và sản phẩm thịt chua cũng chỉ nổi tiếng trong… huyện. Cô đã tìm hiểu qua sách báo, internet, lân la vào các kênh thương mại điện tử để gây dựng sự nghiệp. Năm 2015, Hoa thành lập Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại Trường Foods, tìm kiếm đối tác, và người bán hàng cả theo phương thức truyền thống lẫn hiện đại… Đến nay công ty đã có năm sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao. Hoa chia sẻ, bản thân luôn tâm niệm, phải đưa thương hiệu "Thịt chua Trường Foods" lên tầm cao hơn, bằng nỗ lực không ngừng nâng cao chất lượng, sau đó mở rộng thị trường qua các kênh bán hàng online hiệu quả. "Tôi luôn trăn trở làm sao để có thể ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất vào sản xuất nhưng vẫn giữ được hương vị truyền thống của thịt chua", Hoa nhấn mạnh.
Ý tưởng đẻ ra ý tưởng, dự định sinh ra dự định
Rất nhiều tấm gương khởi nghiệp thành công bằng sự dấn thân bền bỉ, không khuất phục khó khăn. Hơn thế, không ít người đã mang thương hiệu sản phẩm OCOP vượt ra khỏi lãnh thổ Việt Nam đến với người tiêu dùng quốc tế. TikToker Thiện Nhân (Tống Thanh Nhàn), sinh năm 1993 tại Đồng Tháp là một trong những người giàu sáng tạo, đã nỗ lực đưa nhiều sản phẩm của vùng đất sen hồng đến tay người tiêu dùng. Thiện Nhân tâm sự: "Trẻ thì phải sáng tạo, tôi nghĩ thế. Chúng tôi quan sát thói quen tiêu dùng của người dân và thấy điều đó thay đổi rất lớn. Họ lướt trên mạng để tìm địa chỉ mua sản phẩm chất lượng. Nếu đưa được sản phẩm chất lượng đến với họ, họ sẽ tin dùng".
Đồng quan điểm, chị Nguyễn Thị Vân ở xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) cho biết thêm: "Tôi dự kiến sau này có thể cung cấp sản phẩm cho khách quốc tế. Với tôi mơ ước là một hành trình không có kết thúc. Ý tưởng luôn đẻ ra ý tưởng, dự định sinh ra dự định".
Nguyễn Thị Vân vốn là giáo viên mầm non, chục năm qua chị tỉ mỉ làm tranh từ hạt gạo - hạt ngọc quê hương. Từ hạt gạo trắng ngần, qua sự "phù phép" bằng cách đem rang, chị Vân tạo ra hàng chục mầu gạo khác nhau, từ đó làm nên những bức tranh sinh động. Sản phẩmcủa chị được công nhận OCOP 4 sao, đó là sự khích lệ giúp chị Vân hăng say hơn trong công việc.
Cũng phải kể thêm, từ trong và sau đại dịch Covid-19, hoạt động mua bán online, không dùng tiền mặt phát triển nhanh chóng. Ở các địa phương vùng cao như Cao Bằng, Lào Cai, Sơn La, Nghệ An… rất nhiều bạn trẻ đã tích cực tận dụng thế mạnh từ khoa học công nghệ để áp dụng vào sản xuất, kinh doanh. Nhờ đó, nhiều bạn trẻ đã trở thành "doanh nhân online" có mức thu nhập cao, với không ít câu chuyện thực tế hấp dẫn.
Fonte do artigo: