Từ khởi đầu gian khó
Có lẽ ít ai biết rằng, gần 60 năm trước, trong điều kiện đất nước đang còn chiến tranh và rất khó khăn, Việt Nam đã nghiên cứu sản xuất thành công một loại vắc-xin quan trọng: Vắc-xin phòng bại liệt.
PGS,TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nhớ lại giai đoạn đầy thử thách trước sự hoành hành của căn bệnh quái ác: 17 nghìn người mắc bệnh và 500 người tử vong. Hàng nghìn trẻ em bị di chứng bại liệt suốt đời, tỷ lệ mắc lên đến trên 126/100 nghìn dân. Trong khoảng thời gian khó khăn đó, năm 1961, nhờ vắc-xin do Liên Xô hỗ trợ, tỷ lệ mắc bại liệt ở nước ta đã giảm xuống còn 3,09/100 nghìn dân. Tuy nhiên, để chủ động phòng chống bại liệt, Bộ trưởng Y tế khi đó là bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đã rất quyết tâm trong chỉ đạo để chủ động tự sản xuất vắc-xin. Năm 1962, những lô vắc-xin phòng bại liệt made in Việt Nam gắn với tên tuổi bác sĩ Hoàng Thủy Nguyên chính thức xuất xưởng. Những năm sau đó, tỷ lệ người dân mắc bại liệt giảm rõ rệt. Từ năm 1990, tỷ lệ trẻ dưới một tuổi được uống đủ ba liều vắc-xin phòng bại liệt được duy trì trên 90% và đây là tiền đề để Việt Nam thanh toán bệnh bại liệt năm 2000.
Từ những bước chân khai phá đầu tiên của bác sĩ Hoàng Thủy Nguyên, bằng nỗ lực không ngừng nghỉ, các nhà khoa học Việt Nam vẫn liên tục nghiên cứu, sản xuất hơn mười loại vắc-xin khác ở những thời điểm đáng nhớ...
Tiếp sau vắc-xin phòng bại liệt, Việt Nam phát triển vắc-xin tả uống, từ công nghệ được Thụy Điển chuyển giao. Năm 2000 - 2001, Việt Nam tiếp tục chuyển giao miễn phí công nghệ này cho Viện vắc-xin Hàn Quốc và từ đó một công ty của Ấn Độ đã có bản quyền sản xuất vắc-xin tả uống xuất khẩu khắp thế giới.
Cuối năm 2003, đại dịch cúm gia cầm xảy ra ở các nước trong khu vực mà Việt Nam là điểm nóng, hàng triệu gia cầm bị chết và bị tiêu hủy, thiệt hại lên tới hàng nghìn tỷ đồng; nhiều trường hợp cúm gia cầm A/H5N1 lây sang người với triệu chứng lâm sàng trầm trọng, tỷ lệ tử vong cao. Sau hai năm dịch bệnh xuất hiện, biện pháp phòng bệnh bằng vắc-xin mới được chấp nhận và nguồn thuốc chủ yếu nhập từ các doanh nghiệp của Trung Quốc. Tuy nhiên, vắc-xin nhập từ Trung Quốc có hạn chế với một số biến chủng của vi-rút cúm A/H5N1 tại Việt Nam; số liều đóng gói rất lớn (500 liều/lọ), không thích hợp với điều kiện chăn nuôi gia cầm ở nước ta.
Trước thực trạng trên, từ kết quả của đề tài độc lập cấp Nhà nước Nghiên cứu xây dựng quy trình sản xuất vắc-xin cúm A/H5N1 cho gia cầm giai đoạn 2006-2008, GS,TS Lê Trần Bình và PGS,TS Đinh Duy Kháng - Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) kết hợp với TS Trần Xuân Hạnh - Công ty cổ phần thuốc Thú y Trung ương (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) triển khai sản xuất vắc-xin để dập tắt dịch bệnh này. Đây là vắc-xin cúm đầu tiên do Việt Nam tự nghiên cứu và được công ty Công ty cổ phần thuốc thú y Trung ương sản xuất với tên thương phẩm NAVET-VIFLUVAC, được đánh giá có chất lượng tốt.
Tại lễ trao Giải thưởng Trần Đại Nghĩa năm 2019 cho các tác giả trên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Dù điều kiện còn rất hạn chế nhưng các nhà khoa học Việt Nam đã đạt được những kết quả nghiên cứu mà thế giới đánh giá ngang bằng các nước có thu nhập bình quân và chi phí cho khoa học, công nghệ nhiều gấp mấy lần”. Phó Thủ tướng cũng hy vọng đất nước sẽ vượt lên nhờ đột phá ở lĩnh vực khoa học công nghệ.
Đến quốc gia xuất khẩu vắc-xin
Sau nhiều nỗ lực, năm 2015 là năm đáng ghi nhớ của ngành sản xuất vắc-xin của Việt Nam khi được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cấp Chứng nhận Hệ thống quản lý quốc gia về vắc-xin (NRA). Thời điểm đó, Việt Nam được đánh giá là một trong 45 quốc gia có ngành công nghiệp vắc-xin và là một trong 39 quốc gia đạt NRA.
Chưa đầy một năm sau, năm 2016, Việt Nam đã đánh dấu mốc quan trọng trên bản đồ các quốc gia sản xuất vắc-xin - khi tự sản xuất được vắc-xin phối hợp phòng sởi-rubella (MR) chất lượng cao ứng dụng công nghệ Nhật Bản. Tại thời điểm này, Việt Nam là một trong 25 quốc gia sản xuất được vắc-xin trên thế giới và là nước thứ tư tại châu Á có thể sản xuất vắc-xin MR sau Nhật Bản, Ấn Độ và Trung Quốc. Việc đưa vắc-xin MR 2 trong 1 phòng sởi - rubella của Việt Nam sản xuất vào tiêm chủng mở rộng giúp giảm chi phí khi phải nhập ngoại thuốc MR. Từ tháng 3-2018, vắc-xin MR của Việt Nam đã được tiêm với quy mô nhỏ bốn tỉnh ở bốn miền khác nhau, sau đó từ tháng 4, vắc-xin MR do Việt Nam sản xuất được sử dụng trên quy mô toàn quốc cho trẻ từ 18 tháng tuổi trong tiêm chủng mở rộng. Ông Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng khi đó đã nhấn mạnh, việc đưa vắc-xin MR của Việt Nam sản xuất là cần thiết vì dân số Việt Nam đông. Đồng thời, bảo đảm an ninh về vắc-xin, không bị thụ động vào nguồn vắc-xin nhập ngoại, phủ được rộng hơn cho đối tượng 18 tháng tuổi và những vùng nguy cơ.
Tiếp đó, năm 2018 đánh dấu thành tựu lớn tiếp theo của ngành y tế Việt Nam - sản xuất thành công vắc-xin cúm mùa 3 trong 1 gồm cúm A/H1N1/09, A/H3N2, cúm B và vắc-xin cúm tiền đại dịch A/H5N1. Đây là loại vắc-xin cúm đầu tiên do Việt Nam sản xuất góp phần chủ động phòng chống dịch bệnh, giảm chi phí. Dự án sản xuất vắc-xin sởi do Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vắc-xin và sinh phẩm y tế, Bộ Y tế (POLYVAC) thực hiện, đã hoàn thiện quy trình sản xuất vắc-xin sởi, vắc-xin phối hợp sởi - rubella và sản xuất thành công vắc-xin chất lượng cao đạt tiêu chuẩn GMP của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), được nhận giải thưởng của Chủ tịch Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA). Hiện Việt Nam là một trong 14 quốc gia được WHO đặt hàng cơ sở sản xuất vắc-xin cúm (chủng virus H1N1, H3N2 và B) phục vụ phòng chống đại dịch trên thế giới. Viện Vắc-xin và Sinh phẩm Y tế ở Nha Trang (IVAC) đang nghiên cứu vắc-xin cúm và vắc-xin 5 trong 1, được đưa vào Chương trình sản phẩm quốc gia nghiên cứu. Chúng ta tiến tới sản xuất vắc-xin đa giá, các loại vắc-xin nhiều kháng nguyên để trẻ em đỡ phải tiêm nhiều mũi, tránh hiện tượng bỏ mũi tiêm ở trẻ nhỏ. Đằng sau kết quả này là nỗ lực to lớn của rất nhiều nhà khoa học đã âm thầm nghiên cứu trong nhiều năm dài.
Có thể nói việc nhà khoa học Jenner phát minh ra vắc-xin vào năm 1796 là một thành tựu y học vĩ đại của nhân loại. Kể từ khi vắc-xin ra đời, loài người đã có được một loại vũ khí sắc bén, hữu hiệu để chủ động phòng chống các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Tại Việt Nam lợi ích của tiêm chủng là vô cùng lớn. Chương trình tiêm chủng mở rộng đã được Bộ Y tế và các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong những chương trình y tế công cộng hiệu quả và thành công nhất ở Việt Nam. Đó là một trong những đóng góp lớn lao của ngành y tế dự phòng vì những thế hệ giống nòi Việt Nam khỏe mạnh.
Tiêm chủng phòng bệnh sởi và rubella tại Hà Nội. Ảnh: VIỆN VSDTTƯ
Fonte do artigo: